(Nghị định số 87/2024/NĐ-CP) Quy định xử phạt hành chính trong quản lý giá
Ngày 12/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong quản lý giá. Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá (bao gồm: hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá) và việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
1. Đối tượng áp dụng:
– Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết tắt là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
– Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (trừ nhà đầu tư là cá nhân) và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
g) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
– Hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân.
2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá:
– Phạt tiền;
– Tước có thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá.
Trong đó, hình thức phạt tiền là hình thức xử phạt chính, còn hình thức còn lại là hình thức xử phạt bổ sung.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP là 150.000.000 đồng, đối với tổ chức là 300.000.000 đồng. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Cách xác định tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần các hành vi vi phạm trong Nghị định 87/2024/NĐ-CP thì áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần, trừ các hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 7; khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 20; khoản 3 Điều 22; khoản 5 Điều 23; khoản 4 Điều 25 Nghị định 87/2024/NĐ-CP thì xử phạt về từng hành vi.
Ngoài hai hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
– Buộc chấp hành đúng, buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; buộc công khai đầy đủ thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định; buộc báo cáo đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng không đúng quy định hoặc văn bản điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá;
– Buộc nộp lại văn bản kê khai giả, buộc thực hiện kê khai hoặc niêm yết giá theo quy định;
– Buộc trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định, số tiền đã thu lợi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Buộc gửi báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu; buộc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; buộc cung cấp, cập nhật thông tin về giá vào cơ sở dữ liệu về giá theo quy định;
– Buộc công khai thông tin theo quy định của pháp luật về thẩm định giá,
– Buộc thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về thẩm định giải
– Buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
– Buộc cập nhật chứng thư thẩm định giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giải
– Buộc lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá,
– Buộc giải trình báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Buộc thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;
– Buộc thông tin chính xác, trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
– Buộc thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá;
– Buộc cấp lại chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên tham gia lớp học;
– Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do hành vi vi phạm;
– Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng hoặc cập nhật kiến thức cho các học viên tham gia học;
– Buộc đính chính thông tin do thực hiện hành vi vi phạm.
Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/7/2024.
Tin tức khác
- THÔNG TIN KẾT QUẢ BẦU CỬ KHU TRƯỞNG KHU PHỐ PHƯỜNG HỒNG HÀ, NHIỆM KỲ 2025-2027
- PHƯỜNG HỒNG HÀ: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN NĂM 2024, TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2025
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động năm 2024 - Phường Hồng Hà
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động Quý IV năm 2024 - Phường Hồng Hà
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động Quý III năm 2024 - Phường Hồng Hà