KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG: THỨC TỈNH TINH THẦN DÂN TỘC
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu vào năm 40 (Canh Tý), đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử người dân Việt đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình.
Tức nước vỡ bờ
Từ khi nhà Triệu tiêu diệt An Dương Vương và thiết lập quyền cai trị trên lãnh thổ Âu Lạc cũ, chế độ thống trị dừng lại ở cấp quận với đại diện là 2 viên quan sứ ở 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Đến khi nhà Tây Hán diệt nhà Triệu (111 trước Công nguyên), cấp độ thống trị vẫn ở cấp quận; chế độ các Lạc hầu, Lạc tướng của người Việt với quyền thế tập trên lãnh thổ Âu Lạc cũ được các chính quyền phương Bắc chấp nhận cho duy trì, nhưng ngày càng suy yếu.
Từ khi nhà Đông Hán thành lập, Hán Quang Vũ Đế tuy chưa dẹp xong các lực lượng cát cứ phương Bắc nhưng vẫn quan tâm tới miền Nam. Tích Quang, Nhâm Diên làm Thái thú Giao Chỉ và Thái thú Cửu Chân của nhà Hán, ra sức thực hiện chính sách đồng hóa, thay đổi tập tục từ hôn nhân đến y phục, lễ nghĩa của người Việt bắt theo người Hán, dẫn đến xúc phạm nặng nề tới phong tục cũ nhiều đời của người Việt.
Từ khi Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ năm 34, ách thống trị của nhà Đông Hán càng nặng nề hơn với người Việt. Tô Định tàn bạo và tham lam, tăng cường phục dịch và thuế khóa đối với người Việt để cống nạp cho triều đình nhà Hán nhiều hơn, thúc ép các Lạc tướng nhiều hơn. Sự đụng chạm lớn về văn hóa, tín ngưỡng và kinh tế khiến mâu thuẫn giữa người Việt - không chỉ nhân dân mà cả các Lạc tướng - với chế độ thống trị của nhà Hán ngày càng gay gắt. Vì vậy các Lạc tướng đã đoàn kết nhau lại để chống đối.
Trong số các Lạc tướng có ý chống lại sự thống trị của nhà Hán, nổi lên nhà Trưng Trắc ở Mê Linh, Phong Châu và nhà Thi Sách ở Chu Diên. Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách, hai nhà đồng lòng tập hợp lực lượng chống lại sự cai trị của nhà Hán và đã tập hợp được sự ủng hộ của khá nhiều thủ lĩnh địa phương khác. Trước khí thế chống đối của các thủ lĩnh người Việt, Tô Định đã giết Thi Sách để hy vọng dập tắt sớm ý định chống đối. Thù chồng bị giết càng khiến Trưng Trắc hành động gấp rút trong việc khởi binh chống nhà Hán.
Tuy nhiên, có những sử liệu cho thông tin khác về Thi Sách. Ngoài việc ông tên là Thi (chứ không phải Thi Sách), “Thủy kinh chú” cho biết ông cùng Trưng Trắc khởi nghĩa thắng lợi và 3 năm sau mới tử trận cùng vợ; sách “Thiên Nam ngữ lục” cho rằng Thi Sách có tham gia khởi nghĩa với Trưng Trắc và tử trận trước khi khởi nghĩa thắng lợi và sử gia Đào Duy Anh đồng tình với thuyết này.
Các sử gia khẳng định khởi nghĩa vẫn nổ ra dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng dù chồng Trưng Trắc không bị giết. Do đó nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khởi nghĩa không phải là cái chết của Thi Sách mà là chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt tại Giao Chỉ đương thời. Lê Văn Siêu trong sách “Việt Nam văn minh sử” thậm chí còn cho rằng, việc Thi Sách tên thật là gì, có bị giết hay không trong sự kiện Hai Bà khởi nghĩa không phải là một chi tiết quan trọng.
Thời của các nữ tướng
Vai trò lãnh đạo nòng cốt là các Lạc hầu, Lạc tướng dòng dõi Hùng Vương, có uy tín với nhân dân và ít nhiều được chính quyền đô hộ phương Bắc vì nể. Ngoài 3 đại diện tiêu biểu là Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách, các sử gia khẳng định còn có nhiều thủ lĩnh địa phương khác có nguồn gốc Lạc tướng.
Một nhân vật được xem là đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ trước khởi nghĩa là bà Man Thiện - mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bà được xem là cháu chắt bên ngoại của Hùng Vương, góa chồng sớm, nuôi dạy hai con gái nghề trồng dâu nuôi tằm và võ nghệ. Bà Man Thiện có vai trò tổ chức lực lượng, giao thiệp với các quan lang các vùng xung quanh ủng hộ con khởi nghĩa.
Điều đáng chú ý là phần lớn các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa là phụ nữ được các thần tích, truyền thuyết ghi lại: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Phương Dung, Trinh Thục, Thánh Thiên, Thiện Hoa, Nàng Tía, Xuân Hương, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Đô… Số tướng lĩnh nam chiếm số lượng ít hơn: Đỗ Năng Tế, Hùng Nguyên (chồng Trưng Nhị), ông Đống, ông Cai, ông Nà, Đồng Bảng, Đô Chính, Đô Dương…
Các tướng lĩnh này đều có quan hệ huyết thống bên nội hay ngoại, hoặc là bè bạn của nhau. Theo ý kiến của các sử gia, dù được đời sau gán cho những “mỹ tự” và được đặt “họ” (tên họ), mà vào những năm đầu Công nguyên người Việt chưa có "họ", nhưng tất cả cho thấy kết cấu quan hệ huyết tộc, vị trí, vai trò của người phụ nữ, người mẹ, người vợ còn rất lớn không chỉ trong gia đình mà cả trong mọi mặt của hoạt động xã hội Việt Nam khi đó. Điều đó được xem là tàn dư của chế độ mẫu quyền còn phổ biến thời Hai Bà Trưng ở Việt Nam.
Lên ngôi Vua bà
Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm Hội thề ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuộc huyện Mê Linh thời đó. “Thiên Nam ngữ lục” ghi lời thề của Trưng Trắc như sau: "Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng /Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị chính thức phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ.
Quân Hai Bà trước tiên tấn công Đô úy trị quận Giao Chỉ ở Mê Linh. Chiếm được nơi đây, Hai Bà Trưng tiến đánh huyện Tây Vu, chiếm thành Cổ Loa. Trên đà thắng lợi, từ Cổ Loa, Hai Bà Trưng mang quân vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh trị sở Giao Chỉ ở Luy Lâu bên bờ sông Dâu (lãng Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh). Quân khởi nghĩa tấn công quá nhanh khiến Tô Định không kịp trở tay. Trước thế mạnh của quân Hai Bà, các viên quan cầm đầu không dám chống cự, bỏ chạy về phương Bắc.
Thái thú Giao Chỉ là Tô Định hoảng hốt cũng tháo chạy. Để thoát thân, Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà chạy. Tương truyền người Việt đương thời vẫn có tục lệ phổ biến là cạo tóc, nên Tô Định bắt chước làm như vậy cho khỏi bị phát hiện trên đường trốn chạy. Cuối cùng, Tô Định thoát về quận Nam Hải, bị Mã Viện dâng sớ lên Hán Quang Vũ Đế hạch tội “thấy tiền thì giương mắt lên, thấy giặc thì cụp mắt xuống”. Vua Hán hạ ngục trị tội Tô Định.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Sau khi Luy Lâu bị hạ, các thành khác nhanh chóng tan vỡ và quy phục. Cuộc khởi nghĩa lan rộng vào Cửu Chân, Nhật Nam, sang Uất Lâm, Hợp Phố… Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng vương. Thần phả cho biết Trưng Nhị được phong làm Phó vương.
Giương cao ngọn cờ tự hào dân tộc
Dưới sự lãnh đạo của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, nhiều lực lượng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán đã kết hợp làm một, trở thành một phong trào khởi nghĩa rộng lớn của người Việt, đánh đổ sự cai trị của nhà Hán trên toàn bộ lãnh thổ Âu Lạc và Nam Việt cũ.
Điều này được các sử gia đánh giá là một sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt, một sự tái nhận thức quan trọng về quyền sống theo cách riêng của người Việt. Cuộc khởi nghĩa phản ánh ý thức dân tộc đã khá rõ rệt của Lạc tướng và Lạc dân trong các bộ lạc hợp thành nước Âu Lạc cũ. Ý thức về độc lập chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt trên con đường hình thành qua hơn 200 năm mất nước - khoảng thời gian mà các triều đại phong kiến phương Bắc ráo riết thực hiện đồng hóa nhằm biến Âu Lạc vĩnh viễn là quận huyện của Trung Quốc - vẫn tồn tại và phát triển trong lòng người Việt.
Đây là cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị của Trung Quốc đầu tiên của người Việt trong 1.000 năm Bắc thuộc. Các Lạc tướng cùng hậu duệ của họ là đại biểu của phong trào này. Hai Bà Trưng đã dựa vào nhân dân khôi phục lại sự nghiệp cũ của Vua Hùng. Cuộc khởi nghĩa là sự phủ nhận hiên ngang cường quyền của các triều đại phương Bắc coi các dân tộc xung quanh là “Man Di”, thuộc quốc buộc phải phục tùng “thiên triều”, “thiên tử”, phủ nhận tư tưởng “tôn quân, đại thống nhất”.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do phụ nữ đứng đầu, trong thế giới tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của đế chế Hán cổ đại, được xem là sự đối chọi quyết liệt về văn hóa, nếp sống, nếp tư duy của đôi bên Nam - Bắc, Việt - Hán./.
Báo Công an nhân dân
Tin tức khác
- CÔNG AN PHƯỜNG HỒNG HÀ TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT TẠI TRƯỜNG THCS TRẦN QUỐC TOẢN
- Phường Hồng Hà với "Ngày hội đại đoàn kết - Thắm tình quân dân"
- UBND PHƯỜNG HỒNG HÀ TỔ CHỨC LỄ RA MẮT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
- Phường Hồng Hà: Tổ chức Hội nghị triển khai luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14; Chỉ thị số 26 CT/TU; Kế hoạch số 131/KH-UBND; Kế hoạch số 6189/HK-CATP-QLHC
- PHƯỜNG HỒNG HÀ TỔ CHỨC LỄ RA QUÂN THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG.