Jokaso - Giải pháp xử lý nước thải trên Vịnh Hạ Long

Từ lâu, việc xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long, trong đó có nước thải ở các điểm tham quan là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Sau một thời gian dài chưa có câu trả lời, lời giải cho bài toán khó này gần đây đã có đáp án.

Áp lực về môi trường

Cùng với việc được vinh danh là Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long ngày càng có sức hút lớn hơn với du khách năm châu. Việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long những năm qua cũng được cơ quan chủ quản, Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long đầu tư quy củ, tiện nghi nhằm đón tiếp du khách chu đáo. Theo thời gian, các hoạt động du lịch cũng đem tới những áp lực nhất định về đảm bảo môi trường, xử lý nước thải ở các điểm tham quan này.

ff
Du khách tới các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long ngày càng tăng, khiến các điểm đến ngày càng phải quan tâm tới vấn đề xử lý nước thải.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch tới Vịnh Hạ Long ngày càng tăng, đạt 2,5 triệu khách (năm 2013), hơn 4,1 triệu khách (năm 2018) và vượt con số này ở những năm tiếp theo. Theo ghi nhận, sau khi du khách lưu lại các điểm tham quan từ 1 tới vài giờ sẽ để lại lượng chất thải khá lớn. Hiện trên Vịnh Hạ Long có 20 điểm tham quan với trung bình 1-2 nhà vệ sinh/điểm. Trong số này thì không ít điểm đón lượng khách lớn lên tới 2.000-3.000 khách/ngày, như: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, Ba Hang... thậm chí cao hơn như đảo Ti-tốp vào dịp cao điểm mùa du lịch.

Ông Đỗ Tiến Thành, Phó Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu, BQL Vịnh Hạ Long, cho biết: Việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường ở các điểm tham quan, đón tiếp du khách là hết sức cần thiết, tránh những tác động đến môi trường về lâu dài. Đây là điều mà cơ quan chủ quản rất quan tâm, tìm nhiều giải pháp trong những năm qua. Theo đó, đã áp dụng các phương pháp xử lý như: Biofast, Biotoilet, hệ thống bể phốt truyền thống... Tuy nhiên, các biện pháp này đều không thể xử lý triệt để, không đảm bảo quy chuẩn về nước thải ra vịnh.

faf
Đảo Ti-tốp, một trong những điểm đến đông khách nhất mùa du lịch hè.

Nước thải sinh hoạt ở các điểm tham quan trên Vịnh chủ yếu xử lý qua bể tự hoại 3 ngăn, qua kết quả khảo sát của chuyên gia cho thấy vẫn phát sinh mùi hôi, hàm lượng các chất hữu cơ trong nước biển vẫn còn có các chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép. Mặt khác, các điểm tham quan lại biệt lập hoặc quá xa bờ, xa khu xử lý nước thải tập trung của thành phố, nên không thể thu gom, kết nối xử lý được.

Chính vì thế đòi hỏi phải tìm kiếm công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn mới. Bởi về lâu dài, việc không xử lý triệt để các nguồn chất thải ở khoảng 20 điểm tham quan trên vịnh sẽ gây những tác động nhất định tới môi trường, vấn đề ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng tới cảnh quan và phát triển du lịch di sản bền vững.

Giải pháp toàn vẹn 

Quá trình tìm kiếm, một giải pháp ưu việt đã được thử nghiệm. Đó là giai đoạn năm 2019-2020, trong quá trình hợp tác các dự án với JICA ở Quảng Ninh, BQL Vịnh rất quan tâm tới giải pháp xử lý môi trường bằng công nghệ Jokaso được đơn vị giới thiệu. Đó là một phần trong chương trình các dự án tài trợ cho các vùng biên giới, hải đảo của JICA.

faf
Đoàn chuyên gia JICA Nhật khảo sát thực địa và làm việc với đại diện BQL Vịnh Hạ Long tại đảo Ti-tốp, nơi thí điểm lắp đặt thiết bị Jokaso, tháng 9/2022. 

Sau quá trình xem xét, tham khảo, từ năm 2020, hệ thống đã chính thức lắp đặt, thí điểm ở đảo Ti-tốp với 2 thiết bị cho công suất xử lý 5m3 chất thải/ngày/thiết bị, để xử lý toàn bộ nước thải vệ sinh, tắm tráng, nước thải sinh hoạt trên đảo trước khi thải ra môi trường. Như vậy, so với khả năng phát thải chừng 6-8m3/ngày ở đảo du lịch này, thiết bị có thể xử lý cao hơn mức phát thải, đáp ứng sự cố môi trường nếu có.

Trước đó, để đạt hiệu quả cao, các chuyên gia của Nhật Bản cũng đã liên tục khảo sát 4 lần ở Ti-tốp để đánh giá điều kiện tự nhiên, đo đạc, tính toán chỉ số phù hợp cho việc lắp đặt. Đây là công nghệ đến từ nhà cung cấp J-Clean Nhật Bản, vốn là đất nước vô cùng quen thuộc với những kỹ thuật xử lý nước thải vùng biển đảo.

Nguyên tắc chính là xử lý dựa trên công nghệ vi sinh, sử dụng các loại vi sinh vật, trải qua các công đoạn liên quan đến xử lý kị khí, hiếu khí, để sinh vật đó phân hủy chất gây ô nhiễm trong nước thải. Hệ thống có giá thể, nuôi cấy nhân ở trong bản thân thiết bị, tạo nguồn để xử lý. Sau khi lắp đặt, hệ thống Jokaso được đưa vào vận hành, đáp ứng xử lý nước thải đen nhà vệ sinh, nước thải xám của nhà bếp, nước tắm tráng...

faf
Nguyên tắc hoạt động của thiết bị Jokaso được dự án JICA thí điểm lắp đặt, xử lý nước thải ở đảo Ti-tốp.

Quy trình xử lý vận hành liên tục 24/24h. Qua hoạt động, toàn bộ hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu xả thải ở đảo Ti-tốp. Cho tới nay, chất lượng xử lý thải ra môi trường đạt yêu cầu theo quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Các chỉ tiêu này trước đó cũng được Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT) lấy mẫu, làm xét nghiệm công nhận tháng 4/2021.

Ti-tốp là nơi phát thải nước thải sinh hoạt lớn nhất từ hoạt động du lịch, quản lý vận hành so với các điểm tham quan khác trên Vịnh Hạ Long. Ứng dụng thành công tại Ti-tốp đã mở đường đưa thiết bị này vào vận hành, hoạt động tại tất cả các điểm tham quan còn lại trên Vịnh Hạ Long. "Hệ thống này có nhiều yếu tố về cấu tạo, cách vận hành, năng lượng... phù hợp, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi ở các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long" - ông Đỗ Tiến Thành chia sẻ.

Một ưu điểm của công nghệ Jokaso là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long bởi kích cỡ nhỏ gọn theo công suất từ 1m3-3m3 hoặc cao hơn, cấu thành bằng các vật liệu nhựa tổng hợp hoặc gốm, chống ăn mòn của nước biển. Hệ thống tiêu thụ ít điện năng, có thể vận hành bằng thiết bị lưu điện, ắc quy công suất từ 60-80W, phù hợp với môi trường biển đảo không có điện lưới. Ngoài ra, hệ thống được thiết kế dưới dạng mô-đun, Jokaso có thể tăng công suất xử lý theo hướng "mở" bằng cách lắp thêm các mô-đun vào thiết bị đã có.

f
Đoàn chuyên gia JICA kiểm tra hoạt động, khả năng xử lý nước thải của thiết bị Jokaso tại đảo Ti-tốp, tháng 9/2022.

Với những ưu điểm đó, hiện nay, chủ trương đầu tư thực hiện triển khai rộng mô hình ở các điểm, đảo trên Vịnh Hạ Long đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong giai đoạn 1, sau Ti-tốp, dự án sẽ tiếp tục triển khai ở các điểm tương tự như: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, Mê Cung... là những điểm phát thải và có áp lực khách tham quan tương đối lớn trên vịnh.

Ở giai đoạn 2, dự án sẽ được triển khai ở các điểm còn lại trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, hiện dự án chưa được thực hiện đúng tiến độ bởi vốn lấy từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp (từ nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long) thiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hy vọng trong thời gian tới đây, cùng với việc bổ sung vốn, sự hỗ trợ của JICA, dự án sẽ được triển khai, giảm tải ô nhiễm môi trường, tạo sự thoải mái, tiện nghi cho du khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Tạ Quân

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 155