Chuyển đổi số - Động lực phát triển trong kỷ nguyên 4.0
Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Hoà vào “dòng chảy” chuyển đổi số mạnh mẽ của tất cả các ngành, các lĩnh vực, bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 05/02/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phấn đấu trở thành mô hình mẫu, đi đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình, Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia số, trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” với mục tiêu kép là “vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 05/02/2022) “Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật, yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, từ năm 2022 đến nay đã ban hành 40 quyết định, 44 kế hoạch, 21 thông báo và trên 570 văn bản chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, ở trục Chính quyền số - trục giữ vai trò tiên quyết tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực trọng yếu của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, Quảng Ninh có thuận lợi rất lớn khi đã có được nền móng tương đối vững chắc từ những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước đây. Kế thừa những ưu điểm, hiệu quả của hệ thống Chính quyền điện tử đã được tỉnh tiên phong triển khai xây dựng từ năm 2012 trước khi tiến trình chuyển đổi số diễn ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đang tiếp tục sử dụng, khai thác, phát huy hiệu quả các ứng dụng, phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, tạo tiền đề quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tỉnh. Đồng thời, trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử. Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa mục tiêu “Hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt bằng các biện pháp hiệu quả. Tỉnh là một trong các địa phương chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” để triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đến nay hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện (tương ứng 1.245 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh (trừ văn bản mật theo quy định) được xử lý trên môi trường điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện (sớm hơn so với chỉ đạo của Trung ương). Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, chuẩn hóa quy trình, thời gian giải quyết ngày càng được cắt giảm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng được nâng lên. Hiện, cấp tỉnh cung cấp trên 90% TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó 73,2% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Riêng năm 2023, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh đạt 98,5%, đứng nhất toàn quốc.
Trong trục Kinh tế số, tỉnh đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến. Đến hết tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động; có gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp, có gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ; 100% doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử; 100 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử. Đến hết tháng 9/2024, theo số liệu thống kê có 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam như: Voso, Postmart, Tiki… Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hiện giới thiệu 560/560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh; ký kết hợp tác với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn.
Về phát triển Xã hội số của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã phổ cập điện thoại thông minh 100% người dân trong độ tuổi lao động; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các địa phương dùng để thanh toán phí và lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính, mua sắm, khám chữa bệnh, nộp học phí, tiền điện, nước, triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống, lành mạnh”, cấp CCCD gắn chíp, định danh điện tử mức độ 2, làm sạch dữ liệu về bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp và dân cư.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III triển khai mô hình Chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%... Cùng với đó, 100% các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn đã triển khai hợp đồng điện tử, trong đó tỷ lệ hợp đồng điện tử được ký kết, sử dụng đạt trên 70%.
Từ ngày 1/1-31/8/2024, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí gần 18.200 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh hoàn thành việc tích hợp chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT-CA trên Cổng dịch vụ công để cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử. Đồng thời tích hợp thành công chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại tất cả các bước theo quy trình xử lý hồ sơ TTHC lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử để phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết TTHC, luân chuyển hồ sơ điện tử.
Trong xây dựng xã hội số, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, giúp đưa khái niệm chuyển đổi số trở nên thiết thực, gần gũi với đời sống người dân, như: Công trình số hóa bằng công nghệ VR360 Địa chỉ đỏ nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại khu mỏ Quảng Ninh (phường Mạo Khê) của Đoàn Thanh niên TP Đông Triều; mô hình gắn mã QR Code tra cứu thông tin tại 19 điểm di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn TX Quảng Yên của Đoàn Thanh niên TX Quảng Yên; mô hình xây dựng, tuyên truyền, cài đặt mã QR Code thuyết minh về Cột mốc chủ quyền biên giới của các đơn vị lực lượng vũ trang tuyến biên giới phối hợp với tổ chức đoàn ở địa phương…
Tỉnh đang tập trung phổ biến, phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua các khóa tập huấn, đào tạo trực tuyến, các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thay đổi thói quen hành vi về công nghệ số, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trên hành trình chuyển đổi số. Tỉnh cũng đạt được nhiều thành công trong xây dựng các dịch vụ số, tạo môi trường thuận lợi để giúp người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, như: Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại sự hài lòng cho người dân.
Góp phần nâng cao đời sống của nhân dân
Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trên quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Giờ đây, người dân Quảng Ninh đang từng bước trở thành những “công dân số” trong thời đại 4.0. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, đời sống của nhân dân, diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.
Anh Lý Văn Bằng, chủ cửa hàng kinh doanh Bằng Hoa (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) thường xuyên livestream để bán hàng.
Xã vùng cao Yên Than (huyện Tiên Yên) có 8 thôn, đồng bào DTTS chiếm 75% dân số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.Theo chị Chìu Tài Múi (thôn Phú Cường, xã Yên Than), nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet cập nhật tin tức, tìm hiểu cách nuôi gà, trồng khoai tây theo công nghệ cao. “Được các bạn thanh niên trong thôn hướng dẫn thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại, tôi đã thanh toán được tiền điện, nước online, tìm kiếm được các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình”, chị Múi chia sẻ.
ĐVTN thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Trung tâm huyện. Ảnh: Ngọc Trâm
Diện mạo các thôn, bản vùng cao, miền núi của tỉnh hôm nay có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình nơi đây đã sắm được ti vi, máy tính, điện thoại thông minh để bán hàng online, phục vụ học tập, giải trí, không khác gì ở vùng thành thị. Thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng internet băng rộng để đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận với tiện ích số. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được sử dụng internet tốc độ cao; diện phủ sóng di động 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh đạt 99,8%.
Đã nhiều năm nay, chị Nguyễn Minh Thư (nhân viên kế toán Công ty MiMiQ Travel, TP Hạ Long) chỉ cần thực hiện vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh tại nhà là có thể hoàn tất nhanh chóng các thủ tục cần thiết mà cơ quan thuế yêu cầu, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức so với trước đây. “Nhờ việc cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo chuẩn của cơ quan thuế, tôi có thể chủ động 24/7 trong việc lập hóa đơn khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ cũng như xử lý sai sót phát sinh ngay trên thiết bị của người nộp thuế. Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại thông minh giúp tôi có thể đăng ký thuế, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu bảng giá lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tra cứu thông tin người nộp thuế, hộ kinh doanh, công cụ thuế…và việc thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước trở nên dễ dàng”.
Có chung trải nghiệm về những lợi ích mà việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mang lại, ông Phạm Đức Hiền (phường Mạo Khê, TP Đông Triều) hài lòng chia sẻ: Trước đây khi làm thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện thường phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám chữa bệnh thì giờ đây với tài khoản định danh điện tử, tôi chỉ cần mang theo duy nhất chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID, trong đó đã tích hợp các loại giấy tờ tùy thân cần thiết. Kể cả việc thanh toán phí khám, chữa bệnh tôi cũng sử dụng bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt, tiết kiệm rất nhiều thời gian và vô cùng thuận tiện”.
Sở Du lịch ra mắt website amazinghalong.vn
Những chia sẻ, đánh giá của chính người dân từ những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày đã phản ánh phần nào những kết quả tích cực, đáng ghi nhận của công cuộc chuyển đổi số mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tỉnh đã và đang thúc đẩy triển khai trong thời gian qua. Đó cũng là minh chứng cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Nổi bật, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện quy trình thuê dịch vụ CNTT “Hệ thống Quản lý trường học trực tuyến tích hợp tuyển sinh liên thông đầu cấp trực tuyến và xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục tỉnh cho Sở GD&ĐT, 13 phòng GD&ĐT, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh”; Tất cả cơ sở giáo dục phổ thông thuộc ngành quản lý đều đã triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến; tích hợp nội dung chuyển đổi số trong chương trình giáo dục; cập nhật hồ sơ điện tử của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; thực hiện hồ sơ, học bạ điện tử cho học sinh, sổ điểm điện tử...; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản phí dịch vụ giáo dục.Đến nay 100% cán bộ các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện chữ ký số trong xử lý hồ sơ và điều hành; gần 100% số giáo viên, học sinh, trẻ mầm non được cập nhật đầy đủ thông tin; 98,81% cán bộ, giáo viên và học sinh phổ thông có hồ sơ định danh cá nhân đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 80% số học sinh được tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến. Các nhà trường tiếp tục triển khai xây dựng bài giảng điện tử với hơn 2.000 học liệu số và 4.887 bài giảng điện tử được xây dựng, chia sẻ trong toàn ngành.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số y tế, ngành Y tế Quảng Ninh là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT). Đặc biệt năm 2024, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đầu tiên cả nước đã có 100% bệnh viện, trung tâm y tế triển khai bệnh án điện tử. Đồng thời, toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06 về chuyển đổi số, như tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Thực hiện liên thông với cổng dịch vụ công Quốc gia về giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy báo tử, Giấy chứng sinh, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại. Dữ liệu của 1,38 triệu người dân đã được đồng bộ liên thông qua các hệ thống y tế, hỗ trợ theo dõi sức khỏe cá nhân toàn diện….
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long) thực hiện thanh toán viện phí qua mã QR.
Là địa phương trọng điểm du lịch, những tiện ích chuyển đổi số từ du lịch đã và đang trở thành “đại sứ” quảng bá du lịch, không ngừng góp phần xây dựng du lịch Quảng Ninh thông minh, hiện đại và bền vững. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có gần 200/370 điểm tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR. Chuyển đổi số giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng nhờ tính tiện lợi, linh hoạt trong quá trình đặt phòng, đặt tour du lịch, thanh toán. Chuyển đổi số cũng cho phép các doanh nghiệp du lịch sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu khắt khe, đa dạng của thị trường. Như ở Bảo tàng Quảng Ninh, xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” giúp du khách tham quan phiên bản số hóa trên website baotangao.baotangquangninh.vn. Thông qua đó, giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng, tạo ra sự tiện lợi, dễ dàng, nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Hay TP Hạ Long đang lựa chọn một số nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi trên địa bàn để cung cấp thông tin đến người dân và du khách trên trang https://amazinghalong.vn/ và Food tour Quảng Ninh. Các trang này tích hợp bản đồ số thông tin, hình ảnh và địa chỉ các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, các danh lam thắng cảnh và tích hợp bản đồ VR 360 TP Hạ Long. Qua đó, du khách có thể tiếp cận, tìm hiểu các dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm vui chơi của Hạ Long được nhanh nhất. Sở Du lịch thường xuyên đẩy mạnh xây dựng và quảng bá du lịch Quảng Ninh qua các trang website, trang Fanpage, Zalo, Youtube, Instagram với khoảng trên 1.200 bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, thu hút trên 10.000 lượt truy cập. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn thông qua tổng đài, điện thoại, tin nhắn, email với khoảng 1.300 cuộc gọi, tin nhắn.
Vững bước trên hành trình chuyển đổi số
Mục tiêu từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tới, Quảng Ninh phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng... Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh và các ngành, địa phương đang nỗ lực đề ra các giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số của tỉnh và Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết trong bài “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”: “Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”. Và đây chính là điều kiện đầu tiên giúp cuộc cách mạng chuyển đổi số thành công”.
Tỉnh Quảng Ninh tích cực tổ chức hội thảo, diễn đàn về công nghệ để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới của chuyển đổi số vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của đời sống kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến đối với định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2025-2030 do Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 27/11, GS.TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) và Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định: Thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng hiện nay, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn cần tạo sự thay đổi nhận thức để người dân thấy được chuyển đổi số là xu thế, nhu cầu tất yếu thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục và tiếp tục nâng cao năng lực số, phát triển nguồn nhân lực thông qua tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo phù hợp. Cùng với đó, các cấp, ngành cần đặc biệt quan tâm xây dựng, làm chủ hạ tầng dữ liệu coi đây nền tảng quan trọng nhất của hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số.
Cán bộ kỹ thuật Viettel Quảng Ninh vận hành trạm BTS phát sóng 5G trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho 100% CBCCVC trên toàn tỉnh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều chương trình, khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức đào tạo cho trên 43.000 học viên. Quảng Ninh đã xác định 1 trong 5 quan điểm, mục tiêu thực hiện chuyển số trong thời gian tới chính là “Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp về yêu cầu, nhu cầu, lợi ích của chuyển đổi số toàn diện để tạo lập niềm tin cũng như tăng cường các giải pháp về an toàn, an ninh mạng, hình thành văn hóa số. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả 1.473 tổ hoạt động bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên, trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, hỗ trợ, người dân nâng cao kỹ năng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số gắn với cuộc sống của người dân đến từng hộ gia đình, từng người dân; thúc đẩy tạo lập hành vi, thói quen cho người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quảng Ninh là một trong các địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Hiện Quảng Ninh không còn vùng lõm sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn. Tỉ lệ thuê bao di động/người dân của Quảng Ninh đạt 1,3 so với cả nước là 1,23 thuê bao/người dân. Số hộ gia đình có băng rộng cố định đạt tỷ lệ 93%, so với cả nước là 79%. Quảng Ninh đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Đến nay, 100% các địa bàn dân cư ở tất cả các xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đều có sóng thông tin di động.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long hướng dẫn người dân quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại; triển khai ứng dụng công nghệ thông minh cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số…
Thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung tâm Hành chính công huyện Đầm Hà.
Tỉnh tập trung triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cập nhật, chuẩn hóa, làm sạch, làm giàu dữ liệu nhất là các dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến người dân đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống, lành mạnh” và tính an toàn, xác thực cho công dân và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cấp, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
Khách du lịch quét mã QR để tìm hiểu về Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Quảng Ninh. Tin tưởng với sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng theo tư tưởng mới, mang tính đột phá của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng phương thức sản xuất số, cùng sự quyết tâm của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, cuộc chuyển mình để thực hiện chuyển đổi số toàn diện tại Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế -xã hội bền vững. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế của Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và mô hình mẫu, đi đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam.
Nguyễn Dung
Tin tức khác
- THÔNG TIN KẾT QUẢ BẦU CỬ KHU TRƯỞNG KHU PHỐ PHƯỜNG HỒNG HÀ, NHIỆM KỲ 2025-2027
- PHƯỜNG HỒNG HÀ: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN NĂM 2024, TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2025
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động năm 2024 - Phường Hồng Hà
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động Quý IV năm 2024 - Phường Hồng Hà
- Báo cáo đất đai, dân số, lao động Quý III năm 2024 - Phường Hồng Hà