Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
(TP Uông Bí tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) năm 2021 và gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp năm 2022)
Quảng Ninh đã ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm. Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin từ các văn bản quy phạm pháp luật, tỉnh luôn quan tâm cập nhật, đăng tải thường xuyên các văn bản của Trung ương, của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng thông tin thành phần, website, fanpage của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là fanpage DDCI; tiếp nhận và kịp thời giải đáp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh luôn rà soát, thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành vào Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Quảng Ninh.
Việc cập nhật, đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được công khai lên cổng thông tin điện tử tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2021, cổng thông tin điện tử tỉnh đã cập nhật, đăng tải 62 thông báo của tòa án, trên 20 quyết định xử lý vi phạm hành chính của các sở, ngành. TAND tỉnh cũng thực hiện việc cập nhật, đăng tải 156 bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của ngành. Qua đó, đã góp phần minh bạch hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ngăn ngừa các rủi ro pháp lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh nhiều hình thức nhằm giúp doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc về pháp lý và các vấn đề liên quan, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại trực tiếp. Bên cạnh đó, các hình thức tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật khác cũng được triển khai phong phú, đa dạng như: Tiếp nhận ý kiến và trả lời bằng văn bản, thư điện tử; thông qua xây dựng và duy trì các chuyên mục “Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân”, “Hỗ trợ doanh nghiệp”, “Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan chức năng trả lời”... trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành, địa phương; công khai các đường dây nóng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật thông qua hội nghị trực tuyến được các đơn vị đẩy mạnh, có hiệu quả. Có thể kể đến như Sở Du lịch thực hiện 4 chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, 2 chương trình tập huấn nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng cho hơn 1.000 chủ cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn về pháp luật lao động, BHXH, BHTN cho khoảng 450 doanh nghiệp; tổ chức 20 lớp tập huấn cho trên 1.500 người lao động, người sử dụng lao động về chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp. Sở NN&PTNT tổ chức 37 hội nghị về ATTP nông, lâm, thủy sản cho 1.551 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; cấp phát 39.000 tờ gấp, 450 đĩa tuyên truyền, 2.500 sổ tay tài liệu về ATTP nông nghiệp...
(Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với liên ngành tổ chức hội nghị gặp mặt, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh)
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng, các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ pháp lý, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài hoạt động hỗ trợ pháp lý đã giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và quá trình triển khai Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ vướng mắc. Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh song vẫn còn khó triển khai thực hiện, nhất là việc tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật ở địa phương và kinh phí đảm bảo cho hoạt động này, trong khi thực tiễn các doanh nghiệp ở địa phương rất cần tư vấn pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 55/2019/NĐ-CP, cơ quan nhà nước chỉ có trách nhiệm trả lời đối với vướng mắc pháp lý trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý; nhưng thực tế, các doanh nghiệp chủ yếu cần hỗ trợ, giải đáp, tư vấn về những vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn được hỗ trợ nội dung này, các doanh nghiệp phải nhờ đến mạng lưới tư vấn viên pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập và thực hiện các thủ tục, quy trình theo quy định tại Điều 9 của Nghị định nên gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý; cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các sở, ngành kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, đầu tư cho hoạt động hỗ trợ pháp lý; kinh phí phục vụ cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế... Do vậy, để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực chất, hiệu quả hơn nữa rất cần sự vào cuộc từ các cấp, ngành sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, xây dựng giải pháp đồng bộ, có lộ trình thực hiện hiệu quả, hợp lý.
Thanh Hoa
Tin tức khác
- UBND PHƯỜNG HỒNG HÀ TỔ CHỨC LỄ RA MẮT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
- Phường Hồng Hà: Tổ chức Hội nghị triển khai luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14; Chỉ thị số 26 CT/TU; Kế hoạch số 131/KH-UBND; Kế hoạch số 6189/HK-CATP-QLHC
- PHƯỜNG HỒNG HÀ TỔ CHỨC LỄ RA QUÂN THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG.
- Chợ Hồng Hà: Cuộc thi "Áo dài duyên dáng" - Liên hoan văn nghệ chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024)
- Lĩnh vực Văn hóa và Thể thao