Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và cả định hướng chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được xác định vị trí ưu tiên. Tại Quảng Ninh, việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục đã và đang mở ra nhiều phương thức giáo dục thông minh, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

(Hoạt động kiểm tra bài cũ bằng ứng dụng Plickers của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long-TP Hạ Long)

Năm học 2023-2024 này, toàn tỉnh có hơn 360.000 học sinh, trẻ mầm non và gần 22.000 cán bộ, giáo viên giảng dạy, học tập tại 629 trường học, cơ sở giáo dục. Từ trước khi công cuộc chuyển đổi số toàn diện được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc đầu tư, nâng cấp, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của CNTT vào quản lý giáo dục, dạy học; đầu tư trang thiết bị hiện đại; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên…

Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực GD&ĐT, TP Hạ Long đã chỉ đạo ngành Giáo dục quyết liệt thực hiện các nội dung chính trong chuyển đổi số, như: Số hoá thông tin quản lý (hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, dịch vụ công trực tuyến…); số hoá học liệu (sách giáo khoa, bài giảng, thư viện điện tử…); tích cực ứng dụng tiến bộ CNTT, phần mềm chuyên ngành vào công tác dạy và học. Điển hình: Tại trường Tiểu học Hạ Long hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối mạng Internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học theo hình thức trắc nghiệm qua ứng dụng Plickers. Với ứng dụng này, mỗi học sinh được cung cấp 1 thẻ in trên giấy có 4 cạnh tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D; mỗi cạnh có 1 mã code. Khi kiểm tra bài, giáo viên dùng điện thoại quét lên thẻ, ứng dụng sẽ đọc code ở đáp án học sinh chọn để biết đúng hay sai. Ứng dụng Plickers giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị. Hiện 100% giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Các phòng học thông minh, hoặc phòng học được đầu tư thiết bị CNTT cũng được giáo viên khai thác triệt để, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh cũng tỏ ra rất hứng thú và có kết quả học tập tốt hơn, tư duy học tập được đổi mới hơn và tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ kiến thức lâu hơn với phương pháp học tập mới gắn với các thiết bị và ứng dụng thông minh.

Tại thị xã Đông Triều đang trong lộ trình xây dựng mô hình “Trường học điện tử”, “Lớp học điện tử” từ cấp mầm non đến THCS, hướng tới xây dựng “Trường học số”; xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả các phòng học, trường học hiện đại đã được đầu tư… Từ năm 2022, toàn bộ quy trình làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên của 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã đều được thực hiện thông qua hồ sơ, sổ sách điện tử trên các hệ thống Phòng Giáo dục điện tử, SMAS, cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo liên thông, đồng bộ. Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục của thị xã thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trên môi trường số; 100% đơn vị trường học sử dụng chữ ký số đối với các văn bản lưu hành trên môi trường Internet…

(Học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt - TX Đông Triều thực hiện việc điểm danh hàng ngày bằng thẻ từ qua hệ thống máy quét hiện đại)

Hiện thị xã Đông Triều có trường THPT Hoàng Quốc Việt đạt chỉ tiêu chuyển đổi số mức độ 3 – mức độ cao nhất về chuyển đổi số trong trường học. Từ đầu năm học 2023-2024, trường đưa vào sử dụng hệ thống điểm danh bằng thẻ từ thay vì điểm danh theo hình thức thủ công thông thường, nhằm tạo dựng mô hình quản lý học sinh hiệu quả, kết nối chặt chẽ giữa học sinh – nhà trường và gia đình trong các hoạt động giáo dục. Ngoài hệ thống thẻ từ điểm danh, Trường triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm số hóa quản trị cơ sở giáo dục và số hóa trong dạy và học, như: Cập nhật dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; quản lý văn bản và hồ sơ công việc trực tuyến; sử dụng Sổ liên lạc điện tử; sử dụng Sổ ghi đầu bài trực tuyến do giáo viên nhà trường viết riêng trên nền tảng trang tính Google; dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp trên nền tảng Microsoft – Teams…

Hiện nay, các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng quan tâm đầu tư ứng dụng các phần cứng, phần mềm CNTT nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, quản lý học liệu, thi cử theo phương thức hiện đại. Tuy nhiên, trong tiến trình chuyển đổi số, ngành Giáo dục còn gặp phải những thách thức, như: Hệ thống cơ sở vật chất từ trang thiết bị đến đường truyền mạng, phần mềm còn chưa đồng bộ, còn có sự chênh lệch giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, vùng sâu vùng xa; học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu máy tính, điện thoại thông minh, internet…; trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều… Hiện tỉnh cùng các địa phương khác đang tích cực đề xuất Bộ GD&ĐT và tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số cho các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ thiết bị học tập thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, có hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể về công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với việc chuyển đổi số, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Song Hà

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20